Bài học lớn từ việc học đại học

Tôi sinh ra trong một gia đình với điều kiện đủ tốt để tôi có mọi thứ mà mọi đứa trẻ cần. Chúng tôi không quá giàu nhưng giàu đủ để tôi không bao giờ phải ghen tị với ai. Vậy nên, tôi đã luôn nghĩ là, đó là một lẽ đương nhiên của cuộc sống, rằng trường học là một nhiệm vụ bắt buộc mà cứ ai đến tuổi cũng phải làm và không đi học là một cái gì đó hoàn toàn bất khả thi. Tôi đi học vì tôi tin là đó là thứ trẻ con phải làm và bởi vì tôi sợ bố mẹ tôi sẽ giận dữ nếu như tôi trái lời. Đối với cái đứa nhóc là tôi hồi đó, việc đi học cũng chỉ là một phần của cái quá trình trưởng thành tự nhiên của một con người. Chỉ đến bây giờ tôi mới nhận ra là mình đã được nuông chiều và thiếu hiểu biết thế nào khi tôi hoàn toàn lờ đi hàng triệu những đứa trẻ khác trên thế giới này không đủ khả năng để có được một nền giáo dục.

Nói cách khác, tôi coi giáo dục và những gì cha mẹ trao cho tôi là một sự hiển nhiên.

Tôi đi học như thể đó là một nhiệm vụ. Khi tôi cố gắng vì các bài kiểm tra, kết quả thu được chỉ là để cho bố mẹ tôi vui lòng, không phải cho kiến thức của tôi. Và điều tồi tệ nhất đó là, trốn học thậm chí còn có vẻ gì đó hay ho.

Chỉ giá như cái đứa trẻ là tôi kia biết được rằng, mọi thứ tôi có không phải được CHO miễn phí mà là được TRẢ bởi rất nhiều năm công sức và nước mắt của bố mẹ tôi thì có lẽ, hy vọng là, tôi có thể hiểu được mình đã từng ngớ ngẩn, ngu ngốc và vô ơn như thế nào.

Hiện tại, tôi đang học đại học. Nó tốn của gia đình tôi một năm hơn 17 nghìn bảng, chưa kể đến chi phí ăn ở, tổng cộng ba năm là 51 nghìn. Nếu là một vài năm trước, có lẽ tôi đã mù tịt về việc số tiền này có ý nghĩa thế nào với gia đình tôi khi mà bố mẹ tôi chẳng bao giờ tiết lộ về thu nhập của họ cho con cái. Nhưng tôi không còn trẻ con và ngây ngô quá để không tự tìm hiểu ra lương tháng của một người là bao nhiêu và bao nhiêu thì là quá nhiều. 51 nghìn bảng chắc chắn không phải là ít. Bằng chứng là nó bắt đầu gây ra rất nhiều vấn đề cho gia đình tôi để đến mức là họ sợ rằng họ không có khả năng chi trả nó do tình hình kinh tế suy sụp ở Việt Nam.

Đó thực ra là lần đầu tiên tôi được kể cho nghe về bất kì vấn đề kinh tế nào liên quan đến việc học hành của tôi. Cái ý nghĩ rằng tôi có thể không bao giờ được đến trường nữa tự dưng chạy qua đầu tôi và làm tôi sợ chết khiếp. Hoá ra không đi học nữa cũng là một khả năng và quan trọng hơn, tôi có những gì tôi đang có không phải bởi vì tôi xứng đáng được hưởng nó, hay tôi miễn nhiên được có nó, mà bởi vì đã có người quan tâm đến tôi đủ nhiều để trao nó cho tôi, vì lợi ích của tôi.

Giờ thì tôi có thể hoàn toàn hiểu được rằng học hành không phải là công việc. Cao học không bao giờ là bắt buộc. Nó là một sự lựa chọn. Nó còn là một loại hàng hoá. Chúng ta trả tiền để có được bằng cấp và được tiếp cận với tài nguyên nhà trường có để phát triển kiến thức của mình. Kết quả thu nhận được thế nào thì hoàn toàn phụ thuộc vào các cá nhân. Có thể so sánh với, hừm, một cái thẻ thành viên của phòng tập thể thao. Tôi thừa nhận là mình chưa bao giờ thu lại được cái gì từ các thiết bị thể thao mặc dù tôi trả rất nhiều cho cái thẻ thành viên của mình. Dù sao gì, tôi cá là phòng tập thì sẽ chẳng bao giờ cao giá như nền giáo dục của tôi hiện giờ, điều mà chỉ càng làm tôi thêm phần tội lỗi.

Gia đình tôi trả 17 nghìn một năm cho 8 giờ học 1 tuần bao gồm các giờ giảng cùng với 10 các kì kiểm tra quanh năm. Vậy nên, trốn một tiết học giống như là phí pạm công sức một ngày làm việc cật lực của gia đình tôi. Không học hành đủ chăm chỉ để ra trường với một cái bằng không có giá trị gì thì giống như là trở thành một đứa vô ơn, vô dụng không chỉ tốn tiền của người khác mà còn tốn cả thời gian và trí thông minh của chính mình.

Tóm lại, về cơ bản, tôi không có một sự lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi thái độ của mình.

Tôi phải chủ động hơn trong việc học của mình vì chính kiến thức của mình, không phải chỉ vì bằng cấp. Nếu kết quả không đủ tốt, điều đó chỉ có nghĩa là tôi cố gắng chưa đủ. Nếu tôi không đạt được những gì mình mong đợi, tôi phải cố gắng hơn nữa. Động lực tốt nhất có lẽ là tự tưởng tượng ra chính mình phải làm việc cật lực để trả tiền học phí, thì có lẽ tôi mới có thể trân trọng cái cơ hội được đi học này.

Cho đến nay, đây có lẽ là bài học lớn nhất tôi học được từ việc học đại học: sự biết ơn và một thái độ đúng đắn. Có được cơ hội để trở thành một người trưởng thành động lập và cuối cùng là trở thành một người như vậy hoá ra lại đáng sợ và khó khăn hơn tôi tưởng. Nói vậy, nếu không có thử thách, cuộc sống sẽ không còn gì vui nữa. Và vì không còn đường quay lại, tôi đã quyết định là sẽ mạnh mẽ hơn và tiếp tục chiến đấu. Cuối cùng thì, tôi cũng sẽ phải thắng thôi.

Hồng Gấu

Link: http://ellengau.wordpress.com/2014/01/23/the-first-big-lesson-from-university-education/

6 bình luận

Filed under Du học kí

6 responses to “Bài học lớn từ việc học đại học

  1. Cáo

    lại 1 audio thú vị nữa tôi được nghe từ bạn. Và tôi phải nói thêm 1 lần nữa là tôi rất thích nghe bạn nói ^^
    p/s : nhất định tôi cũng sẽ thắng ^o^

  2. Nguyễn Quang Vinh

    Chào Hồng, thực sự đọc xong bài này của bạn mình thấy rất thích.
    Mình đang học đại học ở Việt Nam và trốn học là sở trường của mình. Chủ yếu là chơi game và trong đầu lúc đó cảm thấy học thật sự là nhàm chán. Nó như kiểu khuôn mẫu, gò bó và giống như kiểu nhà tù.Và tất nhiên kết quả học thì không tốt. Nhưng mình chợt nhận ra mình đã chọn sai con đường. Mình nghĩ về mẹ và người em trai của mình nhiều hơn. Em trai mình tốt nghiệp cấp 3, thay vì đi học nó chọn đi làm để kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Khi về thấy em đi làm vất vả thấy thương cực kỳ luôn ý (lúc đấy chỉ muốn nói anh xin lỗi, một người anh đã phạm sai lầm). Bây giờ mình đã từ bỏ game và lao vào học. Sau này làm điều gì đó cho gia đình chứ không phải sống cho riêng bản thân nữa.
    Chẳng hiểu sao, đọc xong mình tâm trạng quá lên viết nhiều :((
    Chúc Hồng gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống và ngày càng xinh đẹp hơn. Good Luck :d

  3. Mỹ Hạnh

    Chào bạn Hồng Gấu!
    Đây là lần thứ 2 mình đọc bài viết của bạn.
    Lần trước đọc bài “Chúng ta là sinh đôi” đọc xong cũng có bao nhiêu điều trong đầu và cả trong lòng; và thật sự cảm mến cách viết câu chuyện đó của bạn, những cảm xúc, những nghĩ suy, những từ ngữ đó.
    Mình xin lỗi vì hôm đó đã đọc nhưng chưa viết được câu cảm ơn cho bạn. Vì nghĩ rằng sẽ quay lại, quay lại lần nữa, để có thể nhìn lại những cảm xúc ấy, để có thể nói rõ những gì mà mình nhận được từ Câu chuyện, để cảm ơn bạn!
    Thế mà đến hôm nay, chắc cũng lâu quá rồi. Đến lúc bối rối trong việc học lại nhớ đến bạn, hì, ngộ nhỉ! Chắc mình cũng từng bối rối vì những chuyện trong sinh đôi 😀
    Một lần nữa, cảm ơn những điều bạn đã viết, những điều mình đã được đọc. Và một lần nữa gửi bạn lời động viên. Cố gắng lên nhé bạn!

  4. Xin chào chị Hồng Gấu!
    Em biết đến chị nhờ vào video ”vì sao bạn nên bỏ Facebook” của chị. Em thật sự thích cách suy nghĩ của chị. Em hiện đang là một du học sinh ở Mỹ và vì cùng là một du học sinh xa nhà và cha mẹ thì phải làm việc vất vả để trang trải cho khoản học phí “khổng lồ” cho em đi học, em cũng có một số suy nghĩ giống như chị vậy. Giờ đây thì chuyện học là việc quan trọng nhất với em, em cũng đang dần hạn chế được Facebook và đến với blog.
    Có cách nào để em liên lạc được với chị không như Skype chẳng hạn. Em muốn được học hỏi những kinh nghiệm du học của chị.
    Cảm ơn vì những gì chị đã viết. Là một du học sinh xa nhà, cố gắng lên chị nhé 🙂

Gửi phản hồi cho Cáo Hủy trả lời